Tạp chí News Week đăng ảnh GS, TS Trần Đỗ Trinh phát biểu tại Đại hội Tim mạch ASEAN lần thứ 12 (Phi-líp-pin 1998). |
Link tải http://www.oni.vn/Qiu9C
Nhận công tác ở Bệnh viện Bạch Mai một thời gian, bác sĩ Trần Đỗ Trinh đã được phân công báo cáo bệnh án một bệnh nhân bị hẹp van tim hai lá trong một cuộc hội chẩn quốc tế tại Bệnh viện Việt - Đức do GS Viện trưởng Tôn Thất Tùng chủ trì. Sau khi nghe trình bày bệnh án, cuộc hội chẩn đã kết luận "có chỉ định phẫu thuật".
GS Tôn Thất Tùng là người mổ thành công ca mổ tim đầu tiên này ở Việt Nam năm 1958, được thế giới ca ngợi vì nó được thực hiện trước nhiều nhà y học các nước khác trên toàn cầu, chỉ sau ca mổ đầu tiên trên thế giới năm 1948 của giáo sư ở Bai-lây (Bailey, Mỹ) 10 năm.
Từ khi bác sĩ Trần Đỗ Trinh còn làm bác sĩ rồi Trưởng phòng điều trị Bệnh viện Bạch Mai, ông luôn tận tâm tận lực vì người bệnh. Năm 1960, sau khi về Viện hai năm ông đã tổ chức một công trình điều tra huyết áp cho hơn 10.000 người.
Thời gian này, kiến thức điện tâm đồ (ĐTĐ) còn đơn giản. Bác sĩ Trần Đỗ Trinh đã dày công nghiên cứu trên các bản ĐTĐ ghi được của hàng trăm bệnh nhân để thực hiện các công trình nghiên cứu, rồi từ đó biên soạn nhiều cuốn sách về ĐTĐ xuất bản đầu tiên từ năm 1963, góp phần làm ĐTĐ trở thành một thường quy đặc biệt quan trọng trong lâm sàng.
Kỹ thuật sốc điện đưa dòng điện 7.000V vào lồng ngực bệnh nhân loạn nhịp tim, lúc đầu chưa được mọi người đồng tình vì sợ nguy hiểm. Mãi tới năm 1973 sau báo cáo tổng kết của nhóm bác sĩ Trần Đỗ Trinh, Vũ Văn Đính, Hàn Thành Long, Nguyễn Ngọc Tước, công trình mới được đánh giá cao và được khen thưởng.
Việc cấy máy tạo nhịp tim vào cơ thể bệnh nhân bị loạn nhịp tim do nhóm các bác sĩ Vũ Văn Đính, Trần Đỗ Trinh, Đặng Hanh Đệ thực hiện năm 1973 đã đưa việc điều trị bệnh loạn nhịp tim đến một thành công tốt đẹp hơn.
Năm 1972, Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đã quyết định thành lập Khoa Tim mạch đầu ngành do bác sĩ Trần Đỗ Trinh làm chủ nhiệm.
Cuối năm đó, tối 18-12-1972, giặc Mỹ dùng máy bay B.52 đánh vào trung tâm Hà Nội. Theo kế hoạch đã định, bác sĩ Trần Đỗ Trinh đạp xe, vượt bom đạn đến thẳng Bệnh viện Bạch Mai. Tuy là bác sĩ nội nhưng Trần Đỗ Trinh vẫn tận tụy suốt đêm, ngày trên các bàn mổ. Chưa ăn xong bữa trưa thì báo động tiếp. Lần này Bệnh viện Bạch Mai đã là mục tiêu bắn phá của B.52 Mỹ. Bom rơi trúng các khoa Xét nghiệm, phòng Dược, phòng khám Đa khoa, Viện Tai Mũi Họng, bốt điện.
Bác sĩ Trần Đỗ Trinh kể lại:
- Thời gian này, một số bác sĩ, nhân viên và bệnh nhân đã phải chuyển ra vùng Vân Đình và một số nơi khác ở ngoại ô Hà Nội. Những bác sĩ, công nhân viên ở lại, hầu hết phải ăn ngủ, trực tại bệnh viện để cứu chữa thương binh, bệnh binh và những người bị nạn. Chiều tối ngày 21-12-1972, tôi vừa giảng bài, truyền đạt một số kinh nghiệm cứu chữa bệnh cho một số sinh viên Trường Đại học Y thực tập ở bệnh viện thì lại còi báo động. Anh chị em Khoa Tim mạch chúng tôi vừa xuống hầm thì một lần nữa Bệnh viện Bạch Mai bị oanh tạc. Lần này chính căn hầm dưới khoa chúng tôi bị trúng bom B.52. Trong số 25 bác sĩ, sinh viên, công nhân viên tại khoa trong hầm lúc đó thì 11 người đã hy sinh.
Sau 12 ngày đêm chiến đấu chống B.52 Mỹ hồi đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Trần Duy Hưng, vợ chồng Quốc trưởng Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-núc cùng nhiều phái đoàn quốc tế khác đã đến thăm nơi cứu chữa thương binh, nạn nhân và những nơi bị máy bay giặc Mỹ tàn phá trong bệnh viện.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, bác sĩ Trần Đỗ Trinh nhận quyết định làm Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, được phong Giáo sư, Thầy thuốc ưu tú rồi Thầy thuốc nhân dân, nhiều nhiệm kỳ là Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, đã có công đưa Hội Tim mạch Việt Nam gia nhập Liên đoàn Tim mạch Thế giới (WHF) và Liên đoàn Tim mạch ASEAN (AFC). Ông là người Việt Nam đầu tiên được bầu làm thành viên Tim mạch học Hoa Kỳ.
GS Trần Đỗ Trinh đã được mời tham gia nhiều cuộc hội nghị và Hội thảo khoa học trên thế giới, tham gia đào tạo hàng nghìn sinh viên, bác sĩ chuyên khoa, tiến sĩ trong và ngoài nước, đã viết được hơn 100 đề tài khoa học về tim mạch được công bố trên các sách báo và nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác.
Năm 2008, kỷ niệm 100 năm thành lập trường Bưởi - Chu Văn An, một bạn đã đưa Trần Đỗ Trinh xem cuốn sổ lưu niệm có bút tích của anh ghi từ tháng 1-1950, lúc chia tay các thầy, bạn trường Trung học Chuyên khoa Kháng chiến Chu Văn An lên đường đi chiến đấu, trong đó có câu: "Hẹn sẽ gặp lại nhau ở Xoóc-bon (Sorbonne)". Cô bạn hỏi:
- Trinh viết câu này trong lúc chúng ta gạo, sắn không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhiều bạn cho là quá mơ mộng. Thế sau này đã có lần nào Trinh đến Xoóc-bon?
- Mình đã hơn một lần đến Trường Đại học Xoóc-bon, nhìn ngắm chân dung những nhà bác học của Xoóc-bon trong gần 800 năm qua cống hiến cho nhân loại và giảng dạy cho nhiều sinh viên khắp toàn cầu biết bao kiến thức đầy uy quyền và sức mạnh. Và mình biết có một số bạn học Trường Bưởi - Chu Văn An chúng ta cũng đã tới đó...
Từ khi còn là một học sinh, sinh viên cho đến khi ra trường, công tác, tham gia chiến đấu, Trần Đỗ Trinh luôn là một người ham học và học giỏi về nhiều mặt, luôn nhiệt tình tận tụy hết lòng vì sự nghiệp y tế, vì người bệnh, luôn hoàn thành tốt mọi việc mà anh đảm nhiệm, luôn lãng mạn, yêu đời và có nhiều hoài bão lớn. Những đức tính ấy đã góp phần mang đến những thành công trong cuộc đời hoạt động của ông.
Đã bước vào tuổi 80 nhưng GS Trần Đỗ Trinh vẫn giữ được những đức tính vốn có trước đây, vẫn chịu khó tiếp tục nghiên cứu viết nhiều tài liệu đóng góp cho những hoài bão mà ông hằng đam mê theo đuổi, vẫn luôn giữ được những quan hệ thân tình với bạn bè, người thân và nơi ông sinh sống ở Thái Hà, Hà Nội.
Theo cpd.vn
No comments:
Post a Comment