Breaking News
recent

GIÁO SƯ ĐẶNG VĂN CHUNG - SƯ PHỤ CỦA CÁC SƯ PHỤ, CÂY ĐẠI THỤ NỘI KHOA VIỆT NAM

BS ĐỖ THIÊN ĐỒNG
Có một thế hệ của dân tộc Việt nam đã làm nên được những kỳ tích hiển hách,trong những điều kiện cực kỳ khó khăn dường như không tưởng.Thế hệ đó ở bất kỳ lĩnh vực nào ,ở bất cứ vị trí nào trong xã hội dù là giản dị và khiêm tốn nhất họ cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuộc đời của mình .Và Tổ quốc nhờ có thế hệ những  con người này mà trở nên Anh hùng vẻ vang. Thế hệ đó được gọi là Thế Hệ Vàng của dân tộc Việt nam.Ngành Y cũng vậy cũng có những Thế hệ vàng của mình với những con người xuất sắc ,lừng danh trong Y học nước nhà.Tuy vậy là những người vào ngành Y muộn hơn nên tất nhiên  chúng tôi đã bị thiệt thòi khi không được học nhiều ở lớp tiền bối xuất sắc đó .Trước đó chúng tôi dường như chỉ được nghe kể về họ như những huyền thoại vĩ đại nhưng xa vời. Nhưng may mắn thay tôi là lớp học trò gần như cuối cùng đã được học ,được quan sát cách làm việc, được gần gũi hàng ngày với một trong những con người vĩ đại của nền Y học Việt nam:GS Đặng Văn Chung.

   Ngày lên lớp đầu tiên,khi thầy vào giảng bao giờ cùng có một GS ở một lĩnh vực khác trợ giảng với Thầy.Nhìn thầy chúng tôi có cảm giác đó là một ông già rất đỗi hiền lành, gần gũi và hơi chậm chạp, Thầy có đôi mắt ánh lên vẻ hóm hỉnh thông minh hiền hậu. ( Lúc đó vào khoảng năm 1996-1997) thầy đã 83-84 tuổi rồi .Nhưng khi bắt đầu bài giảng là thầy toát lên vẻ sắc sảo nhanh nhẹn, linh hoạt uyên bác đến lạ kỳ.Chúng tôi những lũ học trò tinh nghịch đã rất lấy làm khoái chí khi thấy những GS trợ giảng ,đó là những ông thầy khác đều là những người đứng đầu một ngành khoa học. Những con người từng rất đạo mạo khắt khe nghiêm khắc với học trò thì nay lại phải đứng im thin thít lặng lẽ tâm phục khẩu phục trước sự quở mắng về kiến thức chuyên môn ở rất nhiều lĩnh vực của Thầy.Như vậy đấy trước GS Đặng Văn Chung -   tất cả các học trò đã phải lộ nguyên hình những lỗ hổng kiến thức ,những hiểu biết nông cạn và non nớt của mình ,kể cả những GS đáng kính của chúng tôi.

   Để có được một khối kiến thức đồ sộ ,sâu rộng và uyên bác ở hầu như tất cả các lĩnh vực trong Y học như vậy ở Thầy ngoài sự thông minh của trí tuệ,sự say mê với nghề nghiệp, còn là một thành quả của sự lao động miệt mài đến vô cùng.Thầy kể với chúng tôi thầy xuống nhà xác hàng ngày và tự tay phẫu tích hàng nghìn các xác chết để tìm câu trả lời nguyên nhân ,xác định  những thiếu sót trong chẩn đoán và điều trị.Thời của Thầy còn không có đủ thuốc sát trùng ở nhà xác,cách  duy nhất lúc đó là lấy tro bếp đẻ sát trùng.Thầy hài hước kể rằng có lần đang say mê làm việc ,Thầy đã phát hoảng khi một cánh tay do co cơ của người chết đánh vào mặt mình. Thầy nói với chúng tôi chính người chết mới là người thầy công tâm nhất với bác sỹ chúng ta.Chúng con biết vậy nhưng cũng xin vái Thầy vì có lẽ chẳng ai dám làm được như Thầy vậy.
   
   Có một thực tế  là các bác sỹ chúng tôi mỗi người chỉ thạo một lĩnh vực chuyên khoa của mình ,còn những chuyên khoa khác phải tin vào kết luận của các BS lĩnh vực đó.Thế mà đã có những lần Thầy xem kết quả xét nghiệm Thầy đã bắt mang trả ngay tức khắc và bắt làm lại ,và kết quả đúng như vậy.Thầy nói tôi đã tự tay làm những xét nghiệm này nhiều lần và không thể có kết quả vô lý như vậy.Thật là tâm phục khẩu phục .
   Một lần các GS trợ giảng cũng muốn thử tài Thầy chăng? Hoặc muốn học thêm gì đó ở Thầy nên thường thì hay đưa những bệnh nhân cực khó , những bệnh nhân đã được các GS, bác sỹ nhiều lớp đã xem đi xem lại nhiều lần,với,những nhận xét bệnh án dầy hàng tập.Mọi thứ dường như đã được xem xét kỹ đến mức dường như không có chuyện gì để nói hoặc giảng thêm gì ở đây cả.Một trường hợp như vậy Thầy Chung đã xem : Một bệnh nhân gầy gò, ốm o suy kiệt khi ở giai đoạn cuối của bệnh tật, có một cái tên thuần túy Việt nam và ở một vùng quê nghèo. Thật bất ngờ khi Thầy bảo ngay sau khi vừa sờ vào người bệnh nhân :" Đây là người lai tây " .Vậy là bao nhiêu GS ,bác sỹ đã bỏ sót chi tiết quan trọng của việc khai thác tiền sử bệnh nhân.Tại sao thầy biết ngay vậy? Chúng tôi hỏi.Thầy nói đó là sự quan sát tỷ lệ giải phẫu đầu,mặt cổ ,tay chân của người châu Âu khác với người châu Á.
   Thầy đã giảng cho chúng tôi một cách say sưa và dễ hiểu.Những vấn đề khó khăn phức tạp và vô tận của kiến thức khoa học Y học đã được Thầy biến thành những điều giản dị , thú vị và hấp dẫn chúng tôi.Kiến thức của Thầy 
dường như vô tận.Một sợi tóc Thầy có thể nói về những hiểu biết về nó hàng giờ đồng hồ.Bọn học trò chúng tôi hay lười và chỉ muốn nghỉ.Có hôm Thầy say sưa quá đã hơn 1 giờ trưa ,không biết làm thế nào để được nghỉ ,với áp lực của các bạn,tôi là lớp trưởng đã nghĩ ra một mẹo:đánh rơi cặp đánh "rầm" .Thế là Thầy giật mình ,tôi lý nhí xin phếp Thầy cho lớp nghỉ,Thầy bật cười và tha thứ cho sự nghịch ngợm của học trò.
   Có lần nhân sự thân mật giản dị gần gũi của Thầy, tôi đã dám hỏi cả những vấn đề khó nói trong Y học lúc bấy giờ .Và thật bất ngờ Thầy nói thầy đã " có đến 2 gian rưỡi sách về vấn đề đó " .Nhờ đó mà tôi đã thấy được phần nào sự uyên bác, sâu sắc, cương trực và trung thực của Thầy   ở tất cả những lĩnh vực Y học .
   Nói và viết về Thầy GS Đặng Văn Chung đã có quá nhiều, cũng như cả một di sản đồ sộ mà Thầy đã để lại cho chúng ta.Tôi chỉ là một học trò rất nhỏ trong rất nhiều thế hệ học trò của Thầy.Tuy nhiên nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thầy (1913-2013) từ một góc nhìn hạn hẹp xin được phép kể vài kỷ niệm để tưởng nhớ đến một người Thầy thuốc ,Thầy giáo vĩ đại đặc biệt mà tôi đã may mắn đã chứng kiến và được nhận là học trò.Vì chỉ 3 năm sau đó (1999) "Cây đại thụ của nền Y học Việt nam" mãi mãi ra đi.


Bác Hồ thăm gia đình GS năm 1962Bác
Nguyen Thien Phuc

Nguyen Thien Phuc

No comments:

Post a Comment

Powered by Blogger.